Tích Ái Lĩnh Xuân Vân

Tô vẽ tích Ái Lĩnh Xuân Vân (Mây xuân trên Ái Lĩnh)
Niên đại: thế kỷ 18
Hiệu đề : Thành Hóa Niên Chế
Sưu tập: Nguyễn Minh Vỹ – Nha Trang
Xem  http://tinhhoagomviet.vn/static/upload/1403791667_Bo%20suu%20tap.gif

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí, Thừa Thiên Phủ, Tập Thượng minh họa về đèo Hải Vân: “Đời vua Hiển Tôn Hoàng đế (1691 – 1724!) tuần hành Quảng Nam qua nơi đây, đã Ngự đề bài thơ rằng:

越 南 險 隘 此 山 巔
形 勢 渾 如 蜀 道 偏
但 見 雲 橫 三 竣 嶺
不 如 人 在 幾 重 天

Việt Nam hiểm ải thử sơn điên
Hình thế hồn như Thục đạo thiên
Đản kiến vân hoành tam tuấn lãnh
Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên

Tạm dịch:

Đèo cao hiểm trở nhất Việt Nam
Cheo leo như đường vào đất Thục
Mới thấy mây giăng ba núi lớn
Nào hay mình ở mấy tầng mây. (1)

Hiển tôn Hoàng đế tức Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu, danh hiệu đế vương này được vua Gia Long tôn phong. Một sự tình cờ tác giả dùng hai từ Việt Nam, ý chỉ đất phương Nam của nước Đại Việt. Ý tưởng ấy được Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu thể hiện qua bài HÀ TRUNG YÊN VŨ bằng câu thơ: Việt Nam diệc hữu Tiêu Tương cảnh (Việt Nam cũng có Tiêu Tương cảnh).

Chưa rõ lý do gì khiến ai đã thay đổi  hai từ “hiểm ải” thành “xung yếu” ở câu 1; ba từ “Hình thể hồn” ở câu 2 thành “Tuyệt lĩnh hoàn”. Phải chăng bài thơ bằng chữ Hán khắc họa trên chiếc tô sứ ÁI LĨNH XUÂN VÂN là trọn vẹn nguyên tác bài ẢI LĨNH VÂN SƠN của chúa Nguyễn Phúc Chu, được các sử thần nhà Nguyễn trích chọn 4 câu đầu thành bài thất ngôn tứ tuyệt để ghi vào quốc sử. Đây quả thực là những cật vấn của người đời sau mong ước các nhà nghiên cứu làm sáng rõ hơn.

(1) Đại Nam Nhất Thống Chí, Thừa Thiên phủ, Tập Thượng, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Nxb: Nha Văn Hóa, Sài Gòn, 1961, tr.53 – 54  Dịch giả chú thích năm mất của chúa Nguyễn Phúc Chu, năm 1724. Không rõ sai lầm do in ấn hay lý do khác.

Trích bài: Ấn tượng Nguyễn Phúc Chu trong tâm thức cư dân xứ Huế xưa nay

Xem thêm