‘Bí mật đại dương’ từ những con tàu cổ

500 món đồ cổ niên đại thế kỷ 15-18, trục vớt từ tàu đắm trên Biển Đông, được trưng bày tại Hà Nội.

Bí mật đại dương 1

Sáng 18/1, 500 vật phẩm có niên đại từ thế kỷ thứ 15 đến 18, từ kho tàng di vật đồ gốm sứ Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 1, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, HN) với nội dung “Bí mật đại dương từ những con tàu cổ”. Đây là hàng hoá trên các thuyền buôn cổ được phát hiện tại Biển Đông Việt Nam, là minh chứng Việt Nam từng giữ vị trí quan trọng trong giao thương quốc tế vào thời hoàng kim của “Con đường tơ lụa” trên biển.

Tranh cuốn “Châu ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng”. Tranh được vẽ vào thời Edo, thế kỷ 17-18, miêu tả cảnh Châu ấn thuyền từ Nagasaki (Nhật Bản) vượt biển sang thương cảnh Hội An (Quảng Nam) buôn bán. Bức tranh được lưu giữ tại Bảo tàng quốc gia Kyushu, Nhật Bản.

Đồ gốm, hàu, san hô đã dính chặt vào mảnh thân tàu thế kỷ 15, con tàu được phát hiện tại Cù Lao Chàm.

Bình gốm hoa lam vẽ thiên nga là hiện vật có kích thước lớn nhất và nguyên vẹn nhất được khai quật trong tàu đắm tại Cù Lao Chàm. Chiếc bình đã được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2012. Thời điểm phát hiện, con tàu nằm ở độ sâu 70-72 m dưới biển. Phần thuyền còn lại dài 29,4 m, rộng 7,2 m. Việc khai quật được tiến hành trong 3 năm (1997-2000) với 240.000 hiện vật được trục vớt.

Gốm men trắng và nâu Thế kỷ 15, trong tàu cổ Cù Lao Chàm.

Sọ phụ nữ khoảng 18-19 tuổi và chiếc nhẫn vàng mặt đá ruby thế kỷ thứ 15 của tàu cổ Cù Lao Chàm.

Đĩa trang trí long mã làm từ gốm men trắng hoa lam và nhiều màu thế kỷ 15 trên tàu cổ Cù Lao Chàm.

Gốm men trắng thế kỷ 18 trên tàu cổ Cà Mau.

Gốm sứ Thái Lan trong tàu cổ Hòn Dầm. Tàu được phát hiện tại biển Hòn Dầm, khu vực gần đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Các nhà khảo cổ đã tìm được khoảng 16.000 hiện vật gốm Thái Lan vùi dưới cát, nằm sâu dưới mực nước biển 40 m trên tòa vùng biển. Thân tàu còn lại khoảng 30 m, rộng 7 m. Các nhà khoa học đã khai quật được đồ sành men nâu, ngà voi, đồ uống, tiền đồng cổ. Gốm Thái Lan được sản xuất tại lò Suphanburi và lò Sawankhalok vào khoảng thế kỷ 15.

Lọ trang trí hoa lá, sứ men trắng hoa lam, thế kỷ 17 của tàu cổ Hòn Cau. Tháng 6/1990, tàu cổ Hòn Cau được trục vớt cách đảo Hòn Cau (Bình Thuận) 15 km. Tàu chìm sâu dưới cát gần 1 m, cách mặt biển 40 m. Tàu dài khoảng 32,7 m, rộng 9 m. 60.000 hiện vật được vớt chủ yếu là gốm sứ Trung Quốc có niên đại 1690. Đây là chuyến tàu chở gốm sứ do phương tây đặt hàng nên màu sắc, hình dáng, trang trí khác lạ so với phong cách truyền thống. Nhiều chủng loại mang đường nét mỹ thuật Baroque, phỏng theo các mẫu đồ dùng hàng ngày như ấm rượu, ly chân cao bằng bạc, nhôm hay pha lê quen thuộc của người Châu Âu. Ngoài đồ gốm sứ tráng men trắng vẽ lam còn có những loại bát đĩa, thìa, hộp, bình, chén thuộc dòng sứ trắng sản xuất ở lò Đức Hoá, tỉnh Phúc Kiến.

Đĩa, lọ, bát, bình bằng gốm men trắng, gốm men lục, men đen, vàng, nhiều màu trên tàu cổ ở Hòn Cau, Bình Thuận.

Di chỉ Chu Đậu được phát hiện vào những năm 80 của thế kỷ XX, thuộc xã Thái Tân (huyện Nam Sách, Hải Dương). 2.400 hiện vật trên tàu cổ Cù Lao Chàm (Hội An) đều có nguồn gốc từ làng gốm này, minh chứng Việt Nam từng có trung tâm gốm phát triển hưng thịnh cuối thế kỷ 15. Cuộc trưng bày sẽ kéo dài từ 18/1 đến 18/5.

Ngọc Thành

Theo vnexpress.net

Xem thêm